Trang chủ
 Trang bị sức mạnh




Ngôn ngữ khác:

Català
English
Español
Filipino/Tagalog
Français
Ελληνικά / Elliniká
Italiano
日本語 / Nihongo
Kiswahili
Polszczyzna
Português
Română
Српски / Srpski
Tiếng Việt
Türkçe

                                        

Các trang khác

Học Phần

Sơ đồ

Từ khóa

Liên hệ

Tư liệu sử dụng

Liên kết hữu ích

BẢO TỒN VĂN HÓA

Tiến sĩ Phil Bartle

Dịch bởi Thu Dương

dành tặng nhà học giả và nhà hoạt động Audra Taillefer


Bạn muốn gìn giữ nền văn hóa của mình.

Một lý tưởng tuyệt vời. Tuy vậy bạn sẽ phải ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng có thể bạn sẽ là một mối nguy hại cho nền văn hóa mà bạn đang muốn bảo tồn.

Có vẻ như là một nghịch lý? Hoàn toàn không nếu như bạn xem xét cẩn thận khái niệm văn hóa và làm thế nào để phát huy nó. Phương pháp trao quyền đưa ra ở đây chú trọng vào phát huy chứ không phải là bảo tồn văn hóa.

Bạn muốn phát huy nền văn hóa của mình hay bảo tồn nó? Sự lựa chọn là của bạn. Hãy chỉ chọn một. Bạn ko thể có cả hai

Đặc Tính Của Văn Hóa:

Trước khi đi vào vấn đề bảo tồn văn hóa, chúng ta hãy xem xét thế nào là văn hóa. Khái niệm cơ bản nhất của văn hóa là nó bao hàm tất cả những gì chúng ta được học.

Rất nhiều tài liệu trên trang này bàn về văn hóa. Hai trong số đó là: Văn HóaThế nào là cộng đồng? Cả hai đều nhấn mạnh rằng văn hóa là hệ thống xã hội, là tất cả niềm tin và hành động được truyền lại cho thế hệ sau mà không phải do gien di truyền. Chúng được lưu trữ và truyền lại bằng ký tự. Chúng bao hàm 6 phương diện: kĩ thuật công nghệ, kinh tế, chính trị, thể chế (tương tác) và các phương diện về thẩm mĩ nghệ thuật cũng như các giá trị, cách nhìn nhận thế giới và quan điểm của chúng ta về tự nhiên và vũ trụ.

Khái niệm phổ biến bắt gặp hàng ngày về văn hóa đó là thẩm mĩ một trong sáu phương diện văn hóa mà khoa học xã hội đã đề ra. Đánh trống và múa ở Châu Phi, đánh trống và hát của thổ dân Bắc Mĩ, múa ba lê và hát opera của Châu Âu. Tất cả đều là một phần của văn hóa tất nhiên không phải là tất cả.

Những bài hát, điệu nhảy và âm nhạc truyền thống là những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc của những người biểu diễn và thưởng thức chúng. Chúng ta ủng hộ mạnh mẽ việc bảo tồn và phát huy, làm phong phú thêm những giá trị nghệ thuật này.Một bản sắc văn hóa mạnh là một trong những nhân tố chính của phát huy sức mạnh các cộng đồng và nền văn hóa của họ. Xem Các Nhân Tố của Trao Quyền.

Tuy nhiên trong những phương diện khác và những khía cạnh khác của phương diện giá trị, bảo tồn văn hóa có thể gây hại cho sức mạnh của nền văn hóa đó

Đặc Điểm Của Bảo Tồn

Hãy xem xét những gì được gìn giữ: dưa ở trong lọ, những cánh bướm trong tủ kính, một cái lông trong ví, mứt dâu trong lọ, gỗ để dành xây nhà, những con côn trùng trong hổ phách, ếch trong pho man đê hit. Chúng đều có chung một đặc điểm đó là chúng đã từng là những sinh thể sống nhưng giờ đây chúng đã chết.

Quá trình bảo tồn làm thay đổi một vật gì đó để nó có thể tồn tại lâu dài, để nó không biến đổi, để nó không sống. Để tồn tại cần phải có sự biến đổi, bởi vậy nếu bạn muốn giữ cái gì đó tránh khỏi thay đổi, hãy giết chết nó. Dù vậy cuối cùng thì nó vẫn thay đổi dù được gìn giữ như thế nào (bạn hãy hỏi những tín đồ đạo Phật).

Hãy Để Văn Hóa Phát Triển Mạnh Hơn

Nếu đọc lại những tài liệu về văn hóa, bạn sẽ thấy rằng văn hóa là một sinh vật sống. Nó được hình thành bởi các kí hiệu, ý nghĩa và hành vi của con người, nhưng nó có thể tồn tại vượt lên giới hạn thời gian sống của những người tạo ra chúng. Đó là một tổ chức sống, dù không phải là tổ chức sinh học. Nó vượt ra cả giới hạn sinh học.

Tôi không thể mang lại tự do cho bạn. Nếu tự do có thể được cho, nó cũng có thể bị cướp đi và đó không phải là tự do thực sự (Lão Tử).

Việc tập huấn trao quyền trên trang này nhằm đấu tranh chống nghèo đói và sự thống trị, chứ không phải nhằm chống lại những người nghèo và bị bóc lột. Phương pháp đưa ra nhằm tăng cường sức mạnh cho những cộng đồng này. Và nếu muốn trở nên mạnh hơn họ phải thay đổi tức là văn hóa của họ cũng phải thay đổi. Họ sẽ phải tự làm điều đó và chúng ta chỉ có thể khuyến khích ủng hộ họ mà thôi chứ không thể làm thay họ và mang đến cho họ mọi thứ. Văn hóa là tất cả những gì con người có thể học được. Phát triển và suy vong đều là sự thay đổi, nhưng hãy giúp họ phát triển.

Một cây hoa sẽ đơm hoa nếu nó nhận đủ nước, ánh sáng, đất dinh dưỡng và chất khoáng. Nó sẽ không dài ra hay cao thêm nếu như bạn cố kéo ngọn của nó. Chúng ta cũng có thể cung cấp cho chúng nước và khoáng chất, nhưng cây hoa cũng sẽ phải tự hút nước và khoáng chất để lớn lên. Việc bạn kéo ngọn cây cũng giống như là quy hoạch xã hội. Thúc đẩy cây hoa tăng trưởng bằng cách cung cấp thêm cho nó nước và khoáng là phương pháp giúp cây hoa tăng cường sức mạnh.

Rất nhiều người tin vào quá khứ hoang đường rằng văn hóa là không tưởng. Bằng chứng hoàn toàn khác. Những ngày tươi đẹp xưa cũ hoàn toàn không tồn tại. Chẳng có xã hội tiền thuộc địa nào là vĩnh viễn không thay đổi. Luôn có bạo lực, chiến tranh, bất công, biến động và sự thích ứng. Chúng ta không nên tin vào một quá khứ không có thực như vậy rồi chăm chăm gìn giữ những cái mà thực ra chưa bao giờ tồn tại cả. Hiện thời và mãi mãi, chỉ có nỗ lực và thay đổi mới có thể mang lại sức mạnh, tăng trưởng và sự sống còn.

Cân Nhắc và Lựa Chọn

Chúng ta nói ở trên rằng chúng ta khuyến khích việc bảo tồn những bài hát điệu múa và âm nhạc truyền thống vì chúng tạo nên bản sắc, một nhân tố quan trọng trong tăng cường năng lực cộng đồng. Nhưng cũng phải ghi nhớ rằng có những phong tục tập quán và hệ giá trị cần phải thay đổi nếu bạn muốn cộng đồng mạnh hơn.

Bây giờ bạn hãy nghĩ về văn hóa giống như là trang phục vậy. Thực ra trang phục chính là biểu hiện của công nghệ, một phần của văn hóa. Chúng ta mặc các trang phục khác nhau tùy theo những điều kiện môi trường. Chúng ta không mặc quần áo tắm để đi săn hải cẩu vùng băng giá, cũng không mặc quần áo vùng băng tuyết để đi tắm ở vùng biển nhiệt đới. Để tăng trưởng và thích nghi với điều kiện thay đổi, chúng ta cần khoác lên chiếc áo văn hóa những điều kiện phù hợp với môi trường.

Một ẩn dụ khác nữa đó là hãy nghĩ văn hóa như là phương tiện giao thông (một phần của phương diện công nghệ trong văn hóa). Chúng ta không lái một chiếc jeep 4 bánh để đi bắt cá hồi trong đại dương. Chúng ta không cưỡi lên một chiếc thuyền câu để đi săn hươu cao cổ vùng sa mạc Kalahari. Chúng ta cân nhắc và lựa chọn những gì phù hợp và hiệu quả. Nếu một vài khía cạnh của văn hóa cản trở chúng ta khỏi sinh tồn, tăng trưởng và chiến thắng trong môi trường ta đang sống, chúng ta phải chào đón những thuộc tính văn hóa mới. Xem tài liệu trên FGM.

Một số thuộc tính văn hóa rất đáng tôn vinh và quý giá, nhưng nếu chúng làm cho chúng ta trở nên yếu ớt và chết dần chết mòn, chúng cần phải được loại bỏ. Nếu chúng ta nói, "Ồ chúng ta không muốn tranh chấp và đấu tranh và chúng ta tự hào về các giá trị văn hóa của chúng ta", sẽ có lúc chúng ta vẫn phải đấu tranh cho những gì thực sự là của mình, nếu không chúng ta sẽ không còn là mình nữa.

Chúng ta nói ta tôn trọng và tuân theo những ai có quyền lực", nhưng nếu những người này tham nhũng và xấu xa, chúng ta sẽ từ bỏ sự tôn trọng và vâng mệnh này và mở rộng với lối suy nghĩ mới. Nếu không, chúng ta sẽ bị khai thác bóc lột và thống trị bởi những kẻ bạo ngược đó.

Bởi vậy chúng ta không nên chỉ nói rằng chúng ta phải lựa chọn ra những gì là tinh túy trong nền văn hóa của chúng ta để bảo tồn nó. Hãy nói thêm rằng chúng ta cần duy trì bản sắc của mình và cũng phải mở cửa đón lấy những thay đổi trong cả lối nghĩ và hành động để trở nên mạnh hơn.

Tất cả các cộng đồng bản xứ ở phương Tây (Châu Âu) và các cộng đồng hậu thuộc địa ở Châu Phi, Châu Mĩ Latinh và các nước nghèo khác trên toàn thế giới đều đang sống trong những môi trường mà một vài nếp văn hóa cần thay đổi. Chúng ta cần tỉnh táo lựa chọn và tiếp biến những gì là phù hợp với mình và làm tăng cường sức mạnh của mình.

Kết luận, Bạn Muốn Bảo Tồn Văn Hóa?

Trong tài liệu tập huấn ở trang này, chúng ta cần nhấn mạnh rằng khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, năng lực ra quyết sách của cộng đồng không có nghĩa là chấp nhận tất cả những gì họ nói họ cần. Nó có nghĩa là thử thách và khuyến khích các thành viên cộng đồng xác định rõ và xem xét kĩ những gì họ muốn và những gì họ muốn làm. Dẫu sao, họ cũng chịu trách nhiệm cuối cùng.

Một trong những khó khăn đó là nhà hoạt động cần phải hiểu rõ những điều này có nghĩa gì, tác động ra sao. (Đó là lí do tại sao chúng ta không nhằm giảm đói nghèo mà phải là xóa đói nghèo).

Ý tưởng bảo tồn văn hóa nếu không được xem xét kĩ lưỡng sẽ gây ra những nhầm lẫn không đáng có. Đầu tiên chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể ủng hộ điều đó nhưng nếu xem xét kĩ, chúng ta sẽ nhận ra rằng đó không phải là điều chúng ta thực sự mong muốn.

––»«––

© Bản quyền 1967, 1987, 2007 Phil Bartle
Thiết kế web bởi Lourdes Sada
──»«──
Cập nhật lần cuối: 2012.01.14

 Trang chủ

  Trang bị sức mạnh cho cộng đồng